Outsource là gì? Tìm hiểu chi tiết về công ty Outsource hiện nay

2 Tháng Ba, 2023 106 HienNguyen

Outsource là thuật ngữ thông dụng trong giới kinh doanh. Đây là giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp không đủ nhân lực để sản xuất, đáp ứng nhu cầu cũng như mục tiêu mà doanh nghiệp đặt ra. Vậy thực chất làm outsource là gì? Công ty outsource khác gì so với công ty Product? Hãy cùng với chúng tôi tìm hiểu chi tiết về thuật ngữ này nhé!

Outsource là gì?

Outsource hay Outsourcing được dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “thuê ngoài”. Đây là hình thức thuê nhân lực từ bên ngoài để giải quyết những công việc mà doanh nghiệp cần. Những công việc mà bình thường nhân viên trong công ty phải hoàn thành thì nay đã có các nhân lực thuê bên ngoài với trình độ chuyên môn cao hơn đến để đảm nhiệm và thay thế. 

outsource-la-gi

Outsource – Outsourcing – Thuê ngoài

Vậy công ty Outsource là gì? Công ty Outsource chính là công ty được các doanh nghiệp khác thuê về để thực hiện nhóm nhiệm vụ theo như yêu cầu. Mục tiêu cuối cùng của họ chính là các khách hàng. Họ không hề sở hữu các sản phẩm mà mình làm ra. Đồng thời, họ cũng không cần phải tiến hành quảng bá để tăng doanh thu sản phẩm. Công ty Outsource chỉ nhận tiền từ các dự án hoặc là được tính lương theo giờ.

Ví dụ: Nếu như bạn đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng công ty của bạn có quá nhiều việc cần phải giải quyết mà lại thiếu nhân lực thì công ty có thể thuê một đơn vị hay một cá thể ở bên ngoài về để giải quyết một số đầu việc như: kiểm tra QA, khắc phục sự cố hay phát triển phần mềm…

Sự hình thành và phát triển của Outsource

Được tiến hành lần đầu tiên vào năm 1989, Outsourcing được xem như là một chiến lược kinh doanh chính thức, thuê bên thứ ba để thực hiện các công việc mà doanh nghiệp trước đây thường tự mình làm. Sau đó thì hình thức Outsourcing đã trở nên phổ biến trong hoạt động của các doanh nghiệp trong suốt thập kỷ 90.

Hình thức này cũng đã gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia. Một số chuyên gia đã không đồng ý với ý kiến Outsourcing thúc đẩy doanh nghiệp phân bổ nguồn lực hợp lý mà họ cho rằng hình thức này đã gây ra tình trạng thiếu việc làm cho người lao động trong nước bởi các doanh nghiệp có xu hướng thuê đơn vị chuyên môn từ nước ngoài. Tuy nhiên cho đến nay thì Outsourcing vẫn luôn là một phương pháp kinh doanh được rất nhiều doanh nghiệp sử dụng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng công việc.

Ưu và nhược điểm của hình thức Outsource là gì?

Ưu điểm khi sử dụng Outsource

  • Tính chuyên môn hóa cao
uu-diem-cua-outsource

Outsource với tính chuyên môn cao

Việc thuê nhân lực có trình độ cao từ bên ngoài sẽ giúp cho doanh nghiệp của bạn đạt được sự chuyên môn hóa cao trong bộ máy. Khi bạn giao 1 bộ phận công việc cho bên thứ 3 đảm nhiệm thì nghiễm nhiên khối lượng công việc phải làm của doanh nghiệp bạn sẽ giảm xuống. Mọi người sẽ có thời gian để tập trung phát triển chuyên môn cũng như phát huy những điểm mạnh của mình. Cứ như vậy thì doanh nghiệp sẽ luôn phát triển theo chiều hướng tích cực.

  • Tiết kiệm chi phí

Khi thuê nhân viên từ bên ngoài thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 1 khoản tiền không nhỏ bởi họ không cần phải bỏ tiền ra đào tạo nhân viên hay là chi trả các khoản đãi ngộ khác như bảo hiểm y tế chẳng hạn.

  • Tập trung vào vấn đề chính cần phải giải quyết

Thuê Outsource sẽ giúp cho các doanh nghiệp giải quyết được chính xác các vấn đề mà họ đang gặp phải. Họ sẽ không phải tốn thời gian cũng như tiền bạc vào những khía cạnh không liên quan.

  • Nâng cao hiệu suất lao động
uu-diem-khi-dung-outsource

Outsource góp phần nâng cao hiệu suất công việc

Một ưu điểm khác của Outsource đó chính là việc hiệu suất lao động cũng sẽ được nâng cao. Các chuyên gia trình độ cao được thuê về sẽ kết hợp cùng với các nhân viên sẵn có của doanh nghiệp. Họ cùng nhau làm việc sẽ khiến cho hiệu suất lao động ở doanh nghiệp luôn ở mức cao.

  • Rút gọn không gian làm việc

Đây cũng là một ưu điểm đáng kể của hình thức Outsource này. Đặc biệt là đối với những công ty có không gian làm việc tương đối nhỏ hẹp thì việc thuê Outsource bên ngoài sẽ giúp cho công ty không phải đầu tư thêm thiết bị làm việc cũng như là không gian cho bộ phận làm việc đó. Từ đó giúp tiết kiệm ngân sách một cách tối ưu.

  • Tiếp cận với các nguồn công nghệ hiện đại

Trong thế giới phẳng, khi mà công nghệ luôn được cập nhật liên tục mỗi ngày thì việc doanh nghiệp đầu tư cho dây chuyền sản xuất hiện đại sẽ rất tốn kém, chưa kể đến yếu tố thời gian vận chuyển…

Thuê bên ngoài chính là một giải pháp tiện lợi và hữu ích. Các nhà quản trị cũng có thể dễ dàng tiếp cận với công nghệ hiện đại được cung cấp phù hợp với mục tiêu mong muốn mà chi phí lại không quá lớn.

Nhược điểm khi sử dụng Outsource

Bên cạnh những ưu điểm kể trên thì hình thức Outsource cũng có những hạn chế nhất định. Và những hạn chế đó có thể làm ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp như:

  • Vấn đề bảo mật
nhuoc-diem-cua-outsource

Vấn đề bảo mật không được đảm bảo

Bảo mật cũng là một vấn đề cần lưu ý khi bạn quyết định thuê nhân lực từ bên ngoài. Không ai có thể đảm bảo rằng người mà bạn thuê sẽ không tiết lộ những thông tin quan trọng của công ty cho công ty đối thủ nào khác.

  • Hiệu quả công việc khó đảm bảo

Tuy hợp đồng ký kết đã bao gồm các điều khoản trong đó có kết quả, tiến độ cũng như chất lượng công việc phải hoàn thành. Tuy nhiên không phải công ty nào cũng có trách nhiệm và thực hiện tốt được điều đó. Bởi vậy mà doanh nghiệp cần phải lựa chọn đúng đơn vị Outsource uy tín để thuê làm việc.

  • Chi phí không được tối ưu hoàn toàn

Không phải lúc nào việc bạn thuê nhân lực bên ngoài cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí. Một hợp đồng không đủ chặt chẽ với bên thứ 3 có thể sẽ phát sinh ra thêm rất nhiều chi phí khác và khiến cho công ty của bạn mất nhiều hơn được.

Những yếu tố giúp Outsource thành công là gì?

Trước đây, rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức Outsourcing chỉ vì muốn cắt giảm chi phí sản xuất và vận hành. Tuy nhiên. các nhà quản lý hiện nay đã có tầm nhìn chiến lược rộng mở hơn. Họ hướng đến việc sử dụng nguồn lực bên ngoài để nâng cao lợi thế cạnh tranh cũng như giúp doanh nghiệp có thể nâng cao vị thế trên thị trường. Để thực hiện việc Outsourcing thành công thì các doanh nghiệp cần phải lưu ý đến một số yếu tố như sau:

yeu-to-giup-outsource-thanh-cong

Cần xác định rõ mục tiêu chiến lược

– Xác định rõ mục tiêu chiến lược: Doanh nghiệp trước khi thuê nhân lực bên ngoài thì cần xác định rõ mục tiêu cũng như kết quả hướng đến của chiến lược. Dựa vào mục tiêu đó các nhà quản lý có cơ sở để phân bổ nguồn lực và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết, bao gồm cả việc có lựa chọn Outsource hay không.

– Mở rộng mối quan hệ với các bên có liên quan: Mở rộng mối quan hệ sẽ giúp cho nhà quản lý thu thập được nhiều đánh giá khách quan về các công ty Outsource để từ đó đưa ra lựa chọn tốt nhất. Bên cạnh đó nếu như doanh nghiệp đã có mối quan hệ tốt với các công ty Outsource thì việc hợp tác giữa hai bên sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. 

yeu-to-giup-su-dung-outsource-thanh-cong

Nên hỗ trợ đơn vị Outsource cùng làm việc

– Hỗ trợ đơn vị Outsource: Tuy doanh nghiệp thuê đơn vị ngoài để thực hiện các nhiệm vụ nhưng cũng cần phải có sự hỗ trợ khi cần thiết. Doanh nghiệp phải chia sẻ cụ thể mục tiêu, chiến lược và giúp đơn vị Outsource hiểu rõ về hướng đi. Bên cạnh đó thì doanh nghiệp cũng nên hỗ trợ thêm một vài nhân lực nếu cần thiết để giúp cho công việc chung được đảm bảo.

– Thiết lập bản hợp đồng chặt chẽ: Một yếu tố cũng đóng vai trò quan trọng khi Outsource đó chính là việc thiết lập bản hợp đồng gồm những thỏa thuận, cam kết rõ ràng giữa hai bên. Điều này sẽ giúp bên Outsource có trách nhiệm hơn khi thực hiện các nhiệm vụ và cũng như họ sẽ an tâm về quyền lợi mình nhận được sau khi đã hoàn thành công việc với doanh nghiệp.

Phân biệt giữa công ty Product và Outsource

Product là một định nghĩa trái ngược hoàn toàn với Outsource. Product được hiểu là nguồn nhân lực “tay trong” của một doanh nghiệp. Họ làm việc ngày đêm để tạo ra những thành phẩm cho chính công ty của mình.

Hiểu một cách chi tiết hơn thì công ty Product là công ty trực tiếp sản xuất, tự phát hành, quảng bá và kinh doanh sản phẩm do chính họ chế tạo ra. Các sản phẩm này thường nhằm thoả mãn các nhu cầu của người tiêu dùng trực tiếp. Từ đó mà nguồn thu nhập chính của công ty Product là từ lợi nhuận của việc bán những sản phẩm mà họ làm ra. Họ chỉ có doanh thu khi mà người dùng mua những sản phẩm của họ.

Vậy công ty Product và Outsource có gì khác nhau?

phan-biet-outsource-va-product

Sự khác nhau giữa công ty Product và Outsource

  • Về tính chất công việc

Công ty Product tập trung xây dựng, phát triển cũng như quảng bá sản phẩm do chính họ làm ra và thu lợi nhuận về. Vì vậy mà họ phải làm từ A đến Z, từ việc lên ý tưởng cho đến phân phối sản phẩm cho người dùng cuối. Mỗi một dự án của công ty Product thường kéo dài và gắn liền với công ty. 

Công ty Outsource là công ty được thuê về để thực hiện các công việc cụ thể theo như yêu cầu của công ty khách hàng. Họ hoàn toàn không sở hữu sản phẩm hay hàng hóa đó. Khác với công ty Product, công ty Outsource có thể thực hiện cùng một lúc nhiều dự án và họ sẽ được trả tiền theo từng dự án khi đã hoàn thành.

  • Về đối tượng khách hàng

Công ty Product hướng đến khách hàng chính là người dùng cuối. Mục đích của họ là cố gắng hết sức để có thể làm hài lòng khách hàng bằng các sản phẩm hữu ích, dễ sử dụng và tiện lợi. 

Công ty Outsource thì lại hướng đến đối tượng là các công ty cần thuê ngoài để hỗ trợ thực hiện các công việc nội bộ. Mục đích của họ là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo đúng như yêu cầu đã nhận trong mức ngân sách cho phép.

  • Về cách thức làm việc

Tại công ty Product thì một người có thể làm nhiều việc khác nhau. Bạn có thể thoải mái sáng tạo ra những cách thức, những phương pháp tốt nhất để tăng trải nghiệm cho khách hàng của mình. Tuy nhiên cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cho những quyết định đó. 

Với công ty Outsource thì bạn chỉ cần tập trung cho một chuyên môn của bản thân và sẽ được làm trong nhiều dự án khác nhau. Mặc dù phải chịu áp lực về thời gian nhưng bạn sẽ không cần phải chịu trách nhiệm cao cho các quyết định cũng như công việc của mình.

Hy vọng những thông tin trên đây của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ outsource là gì cũng như những ưu và nhược điểm của outsource. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khác hãy để lại bình luận bên dưới bài viết này nhé!

Bài viết liên quan