Phương thức biểu đạt là gì? Cách nhận biết phương thức biểu đạt

1 Tháng Năm, 2023 106 Tuyentb

Phương thức biểu đạt là một khái niệm được dùng phổ biến trong môn Ngữ Văn. Vậy thì phương thức biểu đạt là gì? Có bao nhiêu loại phương thức biểu đạt và cách nhận biết chúng ra sao? Hãy cùng sieusach.info tìm hiểu chi tiết nhé.

Phương thức biểu đạt là gì?

Phương thức biểu đạt chính là những cách mà chúng ta sử dụng để truyền đạt thông tin mà mình muốn đem đến cho người khác. 

Phương thức biểu đạt là cách truyền đạt thông tin

Phương thức biểu đạt là cách truyền đạt thông tin

Thông qua các phương thức biểu đạt, một người có thể truyền tải đến người khác hiểu ý nghĩ, tâm tư và tình cảm của mình. Con người sẽ hiểu rõ nhau hơn, giúp cho các mối quan hệ ngày càng trở nên gần gũi và gắn kết hơn. 

Vậy thì có bao nhiêu loại phương thức biểu đạt?

Việc xác định phương thức biểu đạt thường được yêu cầu trong các đề thi môn ngữ văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hàng năm. 

Có 6 phương thức biểu đạt

Có 6 phương thức biểu đạt

Thông thường trong các tác phẩm văn học sẽ có 6 phương thức biểu đạt chính đó là: miêu tả; thuyết minh; tự sự; biểu cảm; nghị luận và hành chính – công vụ. Khi soạn thảo một văn bản thì tác giả có thể sử dụng kết hợp một lúc nhiều phương thức biểu đạt. Việc vận dụng một cách linh hoạt các phương thức biểu đạt giúp cho việc diễn đạt ý của người viết một cách linh hoạt hơn và giúp cho người đọc hiểu hơn về nội dung mà người viết muốn nói. Cụ thể như sau:

Phương thức biểu đạt tự sự

Khái niệm: Phương thức biểu đạt tự sự là khi người sử dụng sẽ vận dụng ngôn ngữ để kể lại một chuỗi sự việc nào đó theo thứ tự, từ một sự việc này sẽ dẫn đến một sự việc kia. Cuối cùng tác giả xâu chuỗi các sự việc lại với nhau nhằm tạo ra kết thúc cho câu chuyện. 

Khi sử dụng phương thức biểu đạt này người sử dụng thường không chỉ chú trọng đến mỗi việc kể chuyện mà người sử dụng phương thức này còn phải khắc họa và miêu tả được tính cách nhân vật của mình. Họ cũng phải nêu lên được những cảm nhận, nhận thức của bản thân về bản chất của nhân vật tác động trong cuộc sống.

Dấu hiệu nhận biết: Khi sử dụng phương thức biểu đạt tự sự thì trong nội dung thường sẽ phải có một cốt truyện, mạch truyện và theo chủ đề rõ ràng. Trong mạch truyện có các nhân vật, sự việc hay sự kiện theo từng diễn biến, mạch cốt truyện. Các thể loại văn học thường sử dụng phương thức biểu đạt tự sự gồm có: tiểu thuyết, bản tường trình/tường thuật, tin báo chí… 

Phương thức biểu đạt miêu tả 

– Khái niệm: Phương thức biểu đạt miêu tả là khi người sử dụng dùng ngôn ngữ để cho người nghe hoặc người đọc có thể hiểu, hình dung được nhân vật, sự việc mà người nói, người viết đang muốn đề cập đến. 

Việc hình dung này được thể hiện ở việc người đọc có thể nắm rõ, hình dung được những gì đang được đề cập đến hiện ra trước mắt hoặc thậm chí họ có thể cảm nhận được thế giới nội tâm của nhân vật đang được văn bản đề cập đến.

– Dấu hiệu nhận biết: Khi sử dụng phương thức biểu đạt này thì trong nội dung mà người viết muốn truyền đạt phải có các tính từ, động từ và các biện pháp tu từ được sử dụng một cách linh hoạt để miêu tả sự việc, nhân vật được đề cập đến.Phương thức biểu đạt này thường được dùng trong văn miêu tả hoặc là sử dụng trong thơ.

Phương thức biểu đạt biểu cảm

– Khái niệm: Phương thức biểu đạt biểu cảm là khi người viết sử dụng ngôn ngữ để bộc lộ những cảm xúc của bản thân mình, bộc lộ tâm tư, tình cảm và cảm xúc của mình đối với đối tượng đang đề cập đến. 

– Dấu hiệu nhận biết: Khi sử dụng phương thức biểu đạt này thì trong nội dung thường xuất hiện các từ ngữ diễn đạt cảm xúc của người viết đối với đối tượng được đề cập đến, trong nội dung thường có các câu cảm thán. Phương thức này thường được sử dụng trong thể loại thơ, vè, ca dao…

Phương thức biểu đạt biểu cảm

Phương thức biểu đạt biểu cảm

Phương thức biểu đạt thuyết minh

Khái niệm: Phương thức biểu đạt thuyết minh là khi người viết sử dụng ngôn ngữ để cung cấp, giới thiệu về đặc điểm, tính chất của đối tượng đang được đề cập đến. Thông qua phương thức biểu đạt này người đọc có thể hiểu hơn, nắm rõ hơn về các sự vật hiện tượng mà người viết đang đề cập đến. 

Khi sử dụng phương thức biểu đạt này thì người viết phải có một kiến thức sâu rộng, chính xác, khách quan.

Dấu hiệu nhận biết: Khi sử dụng phương thức biểu đạt thuyết minh, trong nội dung thường có những câu văn có thể hiện đặc điểm mang tính đặc trưng của từng đối tượng được đề cập đến. 

Trong khi thuyết minh, ngôn ngữ phải thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể và đôi khi người viết cũng phải có kết hợp sử dụng các biện pháp so sánh, liệt kê làm rõ vấn đề. Phương thức biểu đạt này thường được dùng trong các văn bản thuyết minh về một sự vật, hiện tượng nào đó.

Phương thức biểu đạt nghị luận

Khái niệm: Phương thức biểu đạt nghị luận là phương thức mà người viết sử dụng ngôn ngữ để trình bày những ý kiến của mình. Bằng kiến thức của mình, tác giả đánh giá hoặc đưa ra một quan điểm của mình để bàn luận về một đối tượng nào đó. 

Khi sử dụng phương pháp này người viết phải có những dẫn chứng, những lập luận cụ thể để chứng minh, thuyết phục người đọc đồng tình và ủng hộ với những nội dung mà mình đã đưa ra.

Dấu hiệu nhận biết: Khi sử dụng phương thức biểu đạt này thì trong nội dung người viết sẽ đưa ra những quan điểm một cách rõ ràng và đưa ra các căn cứ, lập luận để bảo vệ quan điểm của mình. Người viết cũng cần phải trình bày văn bản của mình với bố cục một cách chặt chẽ để có thể thuyết phục người đọc tin tưởng và ủng hộ quan điểm của mình. 

Phương thức biểu đạt hành chính – công vụ 

Khái niệm: Đây là phương thức thường dùng trong giao tiếp giữa các cơ quan Nhà nước với công dân, thường là các văn bản có tác dụng truyền đạt những nội dung, yêu cầu của cơ quan nhà nước đến công dân hoặc của cấp trên tới cấp dưới yêu cầu thực hiện. 

Ngoài ra người dân cũng có thể sử dụng phương thức này để biểu đạt những ý kiến, nguyện vọng của mình đến những cơ quan Nhà nước để yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước giải quyết vấn đề nào đấy. Phương thức biểu đạt hành chính – công vụ không được sử dụng trong các thể loại văn học thông thường. 

Dấu hiệu nhận biết: Trong các văn bản thể hiện phương thức biểu đạt hành chính – công vụ thường sẽ có những thành phần như: quốc hiệu, tiêu ngữ; ngày, tháng, năm lập văn bản; thông tin người ra văn bản; thông tin đơn vị/cá nhân nhận văn bản; nội dung của văn bản; chữ ký của người soạn văn bản.

Hướng dẫn các bước xác định phương thức biểu đạt trong văn bản

Để biết cách nhận biết phương thức biểu đạt trong một văn bản nào đó, các bạn cần thực hiện theo các bước sau:

Hướng dẫn cách nhận biết phương thức biểu đạt trong văn bản

Hướng dẫn cách nhận biết phương thức biểu đạt trong văn bản

– Bước 1: Đọc kỹ nội dung văn bản cần xác định phương thức biểu đạt.

– Bước 2: Xác định được thể loại của văn bản.

– Bước 3: Đối chiếu lại với các dấu hiệu nhận biết loại phương thức biểu đạt đó ở trên.

– Bước 4. Kết luận chính xác phương thức biểu đạt.

Lưu ý: Trên thực tế, hiện nay các văn bản có thể sử dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt với nhau. Do đó khi đọc chúng ta cần xác định kỹ để tránh nhầm lẫn trong việc xác định đâu mới là phương thức biểu đạt chính.

Trên đây là giới thiệu về phương thức biểu đạt là gì cùng cách nhận biết phương thức biểu đạt dễ nhất. Việc xác định được chính xác phương thức biểu đạt là gì sẽ giúp bạn đi vào trọng tâm của văn bản, tránh lạc đề trong các bước phân tích tiếp theo. Để thành thạo điều này hơn thì hãy luyện tập thường xuyên với nhiều mẫu văn bản khác nhau nhé.

Bài viết liên quan