Cảm ứng ở thực vật là gì? Đặc điểm, vai trò và các hình thức cảm ứng ở thực vật

8 Tháng Sáu, 2023 106 Tuyentb

Giống như con người hay động vật, thực vật cũng có hiện tượng cảm ứng. Vậy cảm ứng ở thực vật là gì? Hiện tượng này có đặc điểm, vai trò và các hình thức phổ biến nào? Hãy cùng sieusach.info tìm hiểu ngay nhé!

Cảm ứng ở thực vật là gì?

Cảm ứng ở thực vật là quá trình thực vật tiếp nhận và phản ứng lại các kích thích của môi trường. Có rất nhiều cơ quan tham gia vào quá trình phản ứng như rễ, thân, lá, hoa,… tùy đặc điểm sinh học của từng loài thực vật.

Ví dụ cảm ứng ở thực vật:

  • Dùng tay chạm nhẹ vào lá cây trinh nữ, chúng sẽ tự gom lá lại.
  • Hoa hướng dương có xu hướng mọc về phía ánh sáng.
  • Khi đặt một chậu cây gần cửa sổ, bạn sẽ thấy hoa và lá của chúng hướng về phía có ánh sáng.
  • Khi có con mồi nằm trong “bẫy” của cây bắt mồi, chúng sẽ tự động đóng lại và tiết dịch nhầy để làm tê liệt con mồi.
  •  ….
Lá cây trinh nữ cụp lại khi chạm vào là cách cây phản ứng lại với kích thích từ bên ngoài

Lá cây trinh nữ cụp lại khi chạm vào là cách cây phản ứng lại với kích thích từ bên ngoài

Đặc điểm cảm ứng ở thực vật là gì?

Cảm ứng gắn liền với quá trình sinh trưởng và phát triển của thực vật. Hiện tượng này diễn ra vô cùng tinh vi nhưng rất chậm chạp. Đồng thời, các hình thức phản ứng của thực vật cũng kém đa dạng hơn nhiều so với động vật.

Ví dụ, với chậu cây trồng gần cửa sổ, bạn phải mất một khoảng thời gian từ 2 – 3 ngày, thậm chí là lâu mới thấy được hiện tượng thân và lá cây mọc về hướng có ánh sáng.

Hay như trường hợp khi chạm tay vào cây trinh nữ, bạn sẽ thấy các lá của chúng cụp lại từ từ và chậm rãi.

Các hình thức cảm ứng ở thực vật

Khái niệm cảm ứng ở thực vật là gì đã được mình giải thích chi tiết và lấy ví dụ minh họa ở trên. Vậy có những hình thức cảm ứng nào?

Theo đó, có 2 hình thức cảm ứng phổ biến của thực vật, đó là hướng động và ứng động. Thông tin chi tiết về từng loại này như sau:

Hướng động

Hay còn gọi là vận động định hướng, vận động theo hướng. Đây là hình thức phản ứng của các cơ quan của thực vật đối với các kích thích từ môi trường theo một hướng xác định.

Hướng động được chia thành 2 loại, đó là:

  • Hướng thuận (hướng động dương): Tức là cây vận động về phía các tác nhân gây kích thích. Ví dụ: hướng nước, hướng sáng, hướng đất,…
  • Hướng nghịch (hướng động âm): Là sự vận động ngược hướng, tránh xa các tác nhân gây kích thích. ví dụ: tránh xa các chất hóa học độc hại,…

Hướng động xuất hiện khi tốc độ sinh trưởng ở hai phía của cơ quan tiếp nhận kích phát triển không đồng đều. Khi các tế bào ở phía không được kích thích sinh trưởng nhanh hơn so với bên có kích thích, đó là hướng động dương. Ngược lại, nếu các tế bào phía có kích thích phát triển nhanh hơn phía không có kích thích, đó là hướng động âm.

Các hình thức hướng động của thực vật gồm có:

  • Hướng sáng: Phản ứng sinh trưởng của thực vật trước tác động của ánh sáng. Trong đó, rễ hướng sáng âm và chồi, lá hướng sáng dương. Ví dụ: Hoa và lá hướng dương mọc về hướng có ánh sáng (hướng dương sáng)
  • Hướng đất (hướng trọng lực): Phản ứng của thực vật trước tác động của trọng lực. Trong đó, rễ cây hướng trọng lực dương và thân, cành là trọng lực âm.
  • Hướng hóa: Đây là phản ứng sinh trưởng của cây trước các tác động của hóa chất. Rễ cây thường có xu hướng tránh xa các hóa chất độc hại và hướng về khu vực có nguồn dinh dưỡng tốt, cần thiết cho sự phát triển của nó. Tác nhân gây hướng hóa có thể là muối khoáng, kiềm, axit,..
  • Hướng nước: Đây là phản ứng của thực vật hướng đến nguồn nước. Rễ của thực vật hướng nước dương.
  • Hướng tiếp xúc: Phản ứng sinh trưởng của thực vật đối với sự tiếp xúc. Nguyên nhân của loại hướng động này là do phía kích thích có nồng độ auxin thấp, tế bào sinh trưởng kéo dài chậm nên thực vật có xu hướng uốn cong theo cọc rào. Hướng tiếp xúc thường gặp ở cây tơ hồng, bầu, bí,…
Một số hình thức hướng động của thực vật

Một số hình thức hướng động của thực vật

 

Ứng động

Đây là phản ứng của thực vật trước các tác nhân gây kích thích không định hướng từ phía môi trường. Tùy theo từng tác nhân kích thích mà người ta chia ứng động thành 2 loại, đó là:

Ứng động sinh trưởng: Đây là kiểu ứng động mà các tế bào ở hai phía đối diện trong cơ quan có tốc độ phát triển khác nhau. Nguyên nhân là do các tác nhân không định hướng từ phía môi trường như cường độ ánh sáng, nhiệt độ,…

Ví dụ:

–  Hoa bồ công anh cụp vào buổi tối và nở vào buổi sáng.

– Cỏ ba lá, lá me sẽ cụp lại khi trời tối.

– Hoa tulip cụp lại khi nhiệt độ giảm xuống dưới 1 độ C và nở khi nhiệt độ tăng lên,…

Ứng động không sinh trưởng: Đây là kiểu ứng động không có sự phát triển dãn dài của tế bào thực vật. Nguyên nhân là do sự biến đổi về hàm lượng nước trong tế bào chuyển hóa hoặc cấu trúc chuyển hóa. Hoặc cũng có thể do sự xuất hiện của các kích thích lan truyền.

Ứng động không sinh trưởng được chia thành các loại sau:

+  Ứng động sức trương: Do sự thay đổi về hàm lượng nước trong tế bào hoặc các vùng chuyển hóa trong cơ qua. Ví dụ: cây trinh nữ cụp lá khi bị chạm vào là hiện tượng ứng động sức trương.

+  Ứng động tiếp xúc & hóa động: Ví dụ như sự vận động để bắt mồi của cây nắp ấm.

Hình ảnh cây ăn thịt và cây nắp ấm đang “bắt mồi”

Hình ảnh cây ăn thịt và cây nắp ấm đang “bắt mồi”

Vai trò của cảm ứng ở thực vật là gì?

Hiện tượng cảm ứng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thực vật. Chúng giúp thực vật có dễ dàng thích nghi với sự biến đổi của môi trường để tồn tại và sinh trưởng. Cụ thể như sau:

  • Giúp thực vật tìm đến nguồn sáng để thực hiện quá trình quang hợp (hướng sáng)
  • Giúp rễ cây cố định và bám chắc vào đất. Đồng thời hút nước, muối khoáng và ion trong đất để phát triển. (hướng trọng lực, hướng nước)
  • Tạo điều kiện giúp cây phản ứng với các hợp chất hóa học để lấy chất dinh dưỡng nuôi cây. Đồng thời tránh xa các tác nhân có hại cho cây. (hướng hóa)

Một số loài cây phát triển trong môi trường nghèo nàn chất dinh dưỡng, nhất là ni tơ nên chúng có xu hướng thích nghi bằng cách bắt mồi để đảm bảo đầy đủ nguồn dinh dưỡng để nuôi cơ thể. (ứng động)

Giúp cây thích nghi với mọi sự thay đổi của môi trường và sinh trưởng

Giúp cây thích nghi với mọi sự thay đổi của môi trường và sinh trưởng

 

Trên đây là bài viết giải thích cảm ứng ở thực vật là gì, đặc điểm, vai trò cũng như các hình thức phổ biến. Chúng tôi mong rằng bài viết này đã mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về hiện tượng cảm ứng của thực vật nhé!

Bài viết liên quan