Cuộc đời của Họa sĩ Bùi Xuân Phái và sự nghiệp hội họa 

21 Tháng Tư, 2021 106 Nguyễn Tiến Thành

Họa sĩ Bùi Xuân Phái là cái tên quen thuộc đối với phần lớn thế hệ người Việt. Đây là cái tên nổi danh trong nền mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong những danh họa số một của Đông Nam Á. Vào ngày 1/9/2019 ông đã được Google vinh danh vì những đóng góp của ông cho nền mỹ thuật. Bài viết là thông tin, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp cũng như phong cách nghệ thuật độc đáo của người họa sĩ tài hoa mang tên Bùi Xuân Phái.

Đôi nét về cuộc đời họa sĩ Bùi Xuân Phái

Bùi Xuân Phái sinh ngày 1 tháng 9 năm 1920. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Ông là một trong những người định hình sự phát triển của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Đồng thời ông cũng là một trong những họa sĩ nổi bật nhất của Đông Nam Á thế kỷ XX. 

Họa sĩ Bùi Xuân Phái

Họa sĩ Bùi Xuân Phái

Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã không theo đuổi nghề y như ý nguyện của cha, thay vào đó ông đã theo đuổi con đường nghệ thuật và đặc biệt bén duyên với hội họa. Ông theo học và tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine) khóa 1941 – 1945. Do hoàn cảnh khó khăn, để giúp đỡ bố mẹ ông đã tham gia vẽ tranh minh họa cho các tờ báo Hà Nội. Và sau bao nỗ lực, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã bán được bức tranh đầu tiên của cuộc đời vào tuổi 20. 

Sau đó ông tham gia kháng chiến và đến năm 1952, ông cùng với vợ của mình trở về Hà Nội sống. Ông và vợ đã sống tại căn nhà nhỏ của cha mẹ để lại ở số 87 phố Thuốc Bắc cho đến khi mất (24/6/1988). Tại đây ông thực hiện vẽ tranh để mưu sinh và thỏa mãn đam mê nghệ thuật của mình. Năm 1956 ông đã tham gia giảng dạy tại trường Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1957, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã tham ra vào phong trào Nhân văn Giai phẩm nên đã bị buộc thôi dạy tại trường Mỹ thuật Hà Nội. 

Ngày 24 tháng 6 năm 1988 tại Hà Nội, họa sĩ Bùi Xuân Phái mất, để lại cho hậu thế những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Xưởng vẽ nhỏ của ông khi còn sống hiện nay đã trở thành bảo tàng, nơi lưu giữ lại những tác phẩm của người nghệ sĩ tài hoa này. 

Họa sĩ Bùi Xuân Phái và vợ

Họa sĩ Bùi Xuân Phái và vợ

Sự nghiệp hội họa của Họa sĩ Bùi Xuân Phái

Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những học sinh thuộc thế hệ cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cùng thời với với ông còn có các họa sĩ tên tuổi khác có thể kể đến như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Quang Sáng, Dương Bích Liên. Đây đều là những người có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam. 

Họa sĩ Bùi Xuân Phái và tranh về phố cổ

Trong cả sự nghiệp hội họa của mình, họa sĩ Bùi Xuân Phái chuyên về vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu và vô cùng đam mê với đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ khi còn sống, tên gọi của ông đã gắn liền với “Phố Phái” – một dòng tranh của riêng ông. 

Những tác phẩm về phố cổ của ông mang trong mình nét cổ kính nhưng lại rất hiện thực. Mỗi bức tranh đều thể hiện rất rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội vào những năm 50, 60, 70. Những mảng màu trong các tác phẩm của ông thường có viền rất đậm nét. Chính nghệ thuật sử dụng màu sắc này đã khiến cho phố trong những tác phẩm của ông không chỉ trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người, ngay cả cảnh quan bề mặt cũng toát nên chiều sâu bên trong. 

Tranh về Phố cổ của Họa sĩ Bùi Xuân Phái

Tranh về Phố cổ của Họa sĩ Bùi Xuân Phái

Khi ngắm nhìn những bức tranh về phố cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái chúng ta có thể thấy được họa sĩ đã gửi gắm vào trong đó tình yêu và những kỷ niệm của mình. Những hoài niệm mang một nỗi buồn mang mác, những tiếc nuối, sự bâng khuâng trên từng nét vẽ. Tất cả như một lời tiên chi về sự thay đổi và biến mất của những ngôi nhà, những con người mang tâm hồn, nét đẹp xưa cũ.

Tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái rất đa dạng về đề tài

Ngoài phố cổ Hà Nội thì họa sĩ Bùi Xuân Phái còn vẽ rất nhiều những đề tài khác như chân dung, chèo, khỏa thân, phong cảnh miền núi… Song dù ở mảng tranh về đề tài nào ông cũng đều rất thành công. Ông có thể nói là một họa sĩ rất hiểu về những chủ đề nghệ thuật của mình. Khi vẽ ông chỉ cần sử dụng vài nét chấm phá là đã lột tả ra được cái cốt lõi, cái hồn của những đề tài đó. 

Ông là một người mang tính cách thật thà, tranh của ông cũng chỉ biểu lộ những nỗi niềm thật. Ông sẽ không vẽ về những điều mà ông không hiểu thấu đáo, cũng không vẽ về những cái ông chưa nhìn thấy sự thật.

Không chỉ đa dạng về đề tài, tranh của Bùi Xuân Phái còn đa dạng về chất liệu. Ông vẽ trên rất nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, giấy, vải, thậm chí ông còn sử dụng cả giấy báo để vẽ khi không có đủ nguyên liệu. Bên cạnh đó thì ông cũng sử dụng nhiều phương tiện hội họa khác nhau để vẽ tranh từ màu nước đến sơn dầu đến phấn màu, bút chì đến chì than… 

Tranh hề chèo của họa sĩ Bùi Xuân Phái

Tranh hề chèo của họa sĩ Bùi Xuân Phái

Song dù vẽ về đề tài gì trên chất liệu nào thì tranh của ông đều thể hiện sâu sắc linh hồn Việt, lòng yêu nước, yêu tự do và óc hài hước của người Việt. Bên cạnh đó nó còn mang đậm nét bi ai, thống khổ. 

Tham gia vào vẽ tranh minh họa, tranh vui

Họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng có công rất lớn trong lĩnh vực tranh minh họa báo chí, cũng như minh họa bìa sách. vào năm 1957, ông tham gia vào phong trào Nhân văn Giai phẩm nên rất nhiều hoạt động của ông bị hạn chế. Do đó ông đã kiếm sống bằng việc vẽ các bức tranh vui và tranh minh họa cho các trang báo khác nhau với bút danh là Ly, ViVu, PiHa. 

Đến năm 1984, Họa sĩ Bùi Xuân Phái có cuộc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên và cũng là buổi triển lãm tranh duy nhất trong cuộc đời ông. Triển lãm tranh này của ông đã nhận được sự đánh giá rất cao từ đông đảo quần chúng và đồng nghiệp của ông. Số tác phẩm của ông trong buổi triển lãm được khách hàng đặt mua tại ngày khai mạc lên đến 24 bức. 

Buổi triển lãm tranh này của họa sĩ Bùi Xuân Phái có thể được coi là buổi triển lãm thành công nhất thời điểm đó. Đây cũng là lần đầu tiên mà Đài truyền hình Việt Nam đã dành thời lượng lớn để giới thiệu và nói về cuộc đời và những tác phẩm của Bùi Xuân Phái trong chương trình mang tên Văn học Nghệ thuật. 

Tranh Phố Phái

Tranh Phố Phái

Tâm tư về nghệ thuật của Họa sĩ Bùi Xuân Phái

Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong số ít họa sĩ của Việt Nam có xây dựng hệ thống tư liệu vẽ một cách cẩn thận và liên tục ghi lại nhật ký. Những gì ông đã viết trong nhật ký của mình chỉ là những suy tưởng của riêng bản thân ông. Nhưng tất cả những điều đó đều là những trăn trở của họa sĩ Bùi Xuân Phái về nghệ thuật. Đồng thời cũng là những suy tư để làm sao có thể vẽ đẹp hơn, đến được gần hơn với bản chất nghệ thuật.

Tình yêu và niềm đam mê với hội họa đã giúp cho họa sĩ Bùi Xuân Phái thêm nghị lực vượt qua những năm tháng muôn trùng khó khăn. Không chỉ là khó khăn về kinh tế mà còn là sự đe dọa của chiến tranh, bom đạn. Cùng với đó là thói đạo đức giả, nghệ thuật giả tạo, chủ nghĩa cơ hội. Chính vì vậy ông đã tự khép mình để được sống một cách trung thực và được vẽ. Có màu ông vẽ bằng màu, không có màu ông vẽ bằng chì. Khi thiếu giấy thì ông vẽ lên phong bì, vỏ thuốc, bao diêm, bìa sách… 

Ông chưa bao giờ than trách hay đổ lỗi cho số phận. Có trách ông chỉ trách bản thân mình vẽ chưa đủ đẹp, chưa vẽ được nhiều như các danh họa nổi tiếng. Ông đã tự hỏi bản thân “Picasso vẽ được 25.000 bức tranh… còn ta làm được bao nhiêu?”…

Họa sĩ Bùi xuân Phái bên tranh của mình

Họa sĩ Bùi xuân Phái bên tranh của mình

Là một họa sĩ chân chính, Bùi Xuân Phái luôn có một khao khát đó là được mở rộng tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Không bao giờ ông chấp nhận việc hạ thấp nghệ thuật để có thể dễ hiểu với số đông. Ngược lại ông luôn mong muốn trình độ thẩm mỹ của quần chúng được nâng cao hơn. 

Đồng thời, họa sĩ Bùi Xuân Phái không bao giờ tự thỏa mãn mình trong nghệ thuật. Dù bán được một bức tranh nhưng ông vẫn luôn băn khoăn, vẫn muốn bản thân có thể làm tốt hơn thế. Ông là một người yêu nghệ thuật chân chính dù tài chính gia đình có khó khăn nhưng ông đã bỏ tiền ra mua tranh. Từ sau những năm 1980, ông là họa sĩ bán đã bán được tranh và cũng là người từ sớm đã băn khoăn về sự tác động của thương mại đối với nghệ thuật. Với ông, giá trị của một bức tranh không phụ thuộc vào đồng tiền và tin rằng con đường nghệ thuật bền vững cần phải có thời gian mới có thể xây dựng và cảm nhận được hết.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái và tình yêu với Hà Nội

Khi sinh thời, Bùi Xuân Phái được xem là người mang trong mình đậm phong cách của Hà Nội. Phong cách của người Hà Nội không chỉ toát lên ở tranh của ông mà còn toát lên cả ở con người. Những bức hình của ông còn lại đến ngày nay, chúng ta thấy một người ông với khuôn mặt gầy, có phần khắc khổ nhưng vẫn mang một nét khí chất quý phái của người Hà Nội. 

Tranh Bùi Xuân Phái vẽ về Hồ Gươm

Tranh Bùi Xuân Phái vẽ về Hồ Gươm

Tranh của ông cũng giống như cuộc đời của ông. Nó mang trong mình sự tĩnh lặng, bình dị và chân thực. Ông đã sống ở Hà Nội nhiều và là một nhà Hà Nội học về cấu trúc của Phố về những con người của thế kỷ 20. Ông thường xuyên đi tản bộ khắp phố cổ, đôi khi sẽ dừng lại để ghi chép. Hầu hết các tranh phố của ông đều được vẽ theo trí nhớ, rất ít khi ông vẽ ngay trên phố. Đối với họa sĩ thì Hà Nội đã quá thân thuộc, ông vẽ phố cũng giống như là đang hoài niệm lại những chuyện cũ cùng một người bạn chi kỷ. Song, ông nhận định về vẽ là không phải chép, sẽ không phải đo chính xác. Mà người họa sĩ dùng cảm xúc và trí tuệ của mình để phân tích và chuyển thành những nét vẽ. Nếu khi vẽ người họa sĩ quá nặng về ghi chép, cố gắng sao cho chuẩn xác thì tranh sẽ ít đi tính chất hội họa. Phần ghi chép chính xác lại sự vật nên nhường lại cho nhiếp ảnh. Cái đẹp của tranh đó chính là phần sáng tạo, cái hồn người họa sĩ thổi vào trong đó. Chính vì vậy khi chúng ta xem tranh của ông về phố chúng ta sẽ thấy vừa quen vừa lạ. Quen vì chúng ta có thể dễ dàng nhận ra phong cảnh phố thực. Lạ vì phố giờ chúng ta thấy là qua lăng kính của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Trên cùng một khu phố, nhưng có nhiều câu chuyện khác nhau. 

Những nét đẹp của đời sống con người Việt Nam tại thế kỷ XX đã được thể hiện theo phong cách cùng tình cảm sâu đậm của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Những mảng tường loang lổ thể hiện dấu vết của thời gian cùng với óc sáng tạo cùng dòng cảm xúc của người họa sĩ đã tạo nên những bức vẽ đẹp đến bất ngờ.

Tình yêu của họa sĩ Bùi Xuân Phái với Hà Nội

Tình yêu của họa sĩ Bùi Xuân Phái với Hà Nội

Họa sĩ Bùi Xuân Phái yêu Hà Nội, người Hà Nội và Hà Nội cũng yêu Bùi Xuân Phái. Chẳng có một ai yêu Hà Nội mà không yêu và bị cuốn hút bởi những hình ảnh những phố cũ Hà Nội trong tranh của ông. Người Hà Nội yêu thích cái bình  lặng, sự tĩnh lặng trong tranh của Bùi Xuân Phái mang đến sức thuyết phục một cách kỳ lạ. Tranh phố của ông sự trầm lặng nhưng cũng đầy vẻ phong trần của những góc phố nhỏ bình dị, không mang chút phô trương nào. 

Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã chia sẻ tình yêu của mình với Hà Nội theo một cách riêng, đầy ý nhị không pha chút ồn ào nào. Và Hà Nội đón nhận Bùi Xuân Phái như một phần tự nhiên của đời sống văn hóa sâu lắng. Phố Phái là nơi tất cả mọi người có thể hòa mình vào nỗi nhớ, hồi tưởng về Hà Nội của những năm tháng xưa cũ. 

Mặc dù trong phong cách vẽ tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái phảng phất tính chất nghệ thuật của trường phái Paris mà ông hâm mộ những cảm xúc nghệ thuật thì mang đậm hơi thở của người Việt. Không chỉ người người Việt Nam mà cả những người nước ngoài khi xem tranh của ông đều rung động với tâm tư và cảm xúc của họa sĩ Bùi Xuân Phái với Hà Nội. Điều này làm cho chúng ta quên đi sự hiện diện cùng ảnh hưởng của thuật bút cọ Phương Tây. 

Họa sĩ Bùi Xuân Phái tại nhà của ông

Họa sĩ Bùi Xuân Phái tại nhà của ông

Những tác phẩm nổi bật của Bùi Xuân Phái

  • Phố cổ Hà Nội – Sơn dầu vẽ năm 1972
  • Hà Nội kháng chiến – Sơn dầu vẽ năm 1966
  • Xe bò trong phố cổ – Sơn dầu vẽ năm 1972
  • Phố vắng – Sơn dầu vẽ năm 1981
  • Hóa trang sân khấu chèo – Sơn dầu vẽ năm 1968
  • Sân khấu chèo – Sơn dầu vẽ năm 1968
  • Vợ chồng chèo – Sơn dầu vẽ năm 1967
  • Trước giờ biểu diễn – vẽ năm 1984

Những vinh danh họa sĩ Bùi Xuân phái nhận được

Với những đóng góp to lớn cho nền mĩ thuật nước nhà, tên của ông đã được dùng để đặt cho con đường tại khu đô thị mới Mỹ Đình (nay thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Tại phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình và Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cũng có một con đường mang tên ông. 

Đồng thời ông cũng đã được Google Doodle vinh danh vào ngày 1 tháng 9 năm 2019 nhân 99 năm ngày sinh nhật của ông. Theo như người đại diện của Google cho biết thì đây là sự vinh danh đối với người có sự ảnh hưởng lớn đến sự phát triển mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Cùng với đó là những thành tựu ông đã cống hiến cho quê hương nói chung và cho những người yêu Hà Nội nói riêng.

Bức tranh Google vinh danh họa sĩ Bùi Xuân Phái

Bức tranh Google vinh danh họa sĩ Bùi Xuân Phái

Các giải thưởng mỹ thuật của họa sĩ Bùi Xuân Phái 

  • Năm 1996: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật 
  • Năm 1946: Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 
  • Năm 1980: Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 
  • Giải thưởng đồ họa Leipzig (Đức)
  • Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô vào các năm 1969, 1981, 1983, 1984

Trên đây là những thông tin chúng tôi muốn chia sẻ về họa sĩ Bùi Xuân Phái với các bạn. Hy vọng qua bài viết các bạn đã hiểu rõ hơn về người họa sĩ tài năng, hết lòng với nghệ thuật và có một tình yêu bất diệt với Hà Nội này. 

Xem thêm:

Bài viết liên quan